Tính hiệu quả của các kĩ thuật ghi nhớ đã được khẳng định rất nhiều lần trong những năm gần đây (giúp tăng khả năng ghi nhớ thông tin và truy xuất thông tin từ trí nhớ hiệu quả). Tại sao chúng hiệu quả? Vì bộ não “yêu thích” những điều thú vị. Đó là nguyên tắc não hoạt động. Và những dòng chữ đen đơn điệu trên nền giấy trắng giản đơn có thực sự hấp dẫn?
Ba nguyên lý trụ cột của học tiếng Anh hiệu quả với các kỹ thuật nhớ là: liên tưởng, tưởng tượng và định vị. Kết hợp lại, ba yếu tố này sẽ làm bạn bất ngờ về khả năng ghi nhớ và gọi lại ký ức, vượt xa khả năng bạn nghĩ mình có thể làm được.
Liên tưởng
Khi bạn gặp một từ vựng mới, việc cần làm ngay là liên tưởng từ này với những điều bạn đã quen thuộc. Nói vậy, nhưng không quá dễ để làm đâu. Tất nhiên với một ít nỗ lực luyện tập, bạn sẽ thấy dễ dần dần và vui lên lần lần.
Hãy ví dụ với từ “wife”. Nếu bạn chưa từng học tiếng Anh, từ này chẳng gợi lên cho bạn một cảm xúc hay sự quen thuộc nào cả. Hầu hết người học sẽ nhanh chóng chấp nhận điều đó và học thuộc như vẹt.
Nhưng học tiếng Anh hiệu quả hơn khi bạn biết phải “mã hóa” từ vựng này. Bạn sẽ liên tưởng đến những điều thân thuộc với bạn. Chẳng hạn, bạn nghĩ đến vợ của mình mặc chiếc áo thun với logo hiệu WIFE to đùng sau lưng áo. Nghiên cứu xác nhận rằng sự liên tưởng càng làm bạn thấy thú vị, càng độc đáo và càng kì cục bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ sâu sắc.
Tưởng tượng
Chúng ta không suy nghĩ bằng từ ngữ, ta nghĩ bằng hình ảnh. Khi bạn nghe từ “mèo”, trong đầu bạn sẽ hiện ra hình ảnh chú mèo nào đó hay các chữ “m, e, o, huyền mèo”? Do đó, sự “mã hóa” từ ngữ của bạn nên được thực hiện chủ yếu bằng cách sáng tạo ra các hình ảnh sống động, rõ ràng, chính xác như những gì hiện ra trong đầu mà bạn có thể dễ dàng ghi nhớ giúp học tiếng Anh hiệu quả hơn.
Đây là các quy tắc giúp các hình ảnh chúng ta tạo ra được dễ dàng lưu lại:
*Dùng các giác quan: càng nhiều giác quan tham gia, càng tốt. Vật bạn muốn tưởng tượng ra sẽ hình thù như thế nào? Mùi vị thế nào? Sờ vào thế nào?… Luôn dùng các giác quan khi bạn tưởng tượng.
*Thêm chi tiết: vật đó cũ kỹ không? Màu gì? Chạm trổ ra sao? Hãy thêm thắt nhiều chi tiết độc đáo.
*Gắn cảm xúc: hình ảnh tạo ra sẽ gợi lên một cảm xúc, hãy gắn vào một cảm xúc. Bạn có cảm thấy hài hước? Cảm thấy buồn? Cảm thấy sung sướng?…
*Thêm hành động: các hình ảnh bạn tạo ra giống như một đoạn phim. Thêm thắt các hiêu ứng áng sáng, cháy nổ, va chạm,… bạn sẽ rất khó quên các đoạn phim này.
*Nhập vai vào câu chuyện của bạn: bạn luôn là nhân vật chính đối với bộ não của mình, những điều gắn với bạn mặc định sẽ rất quan trọng và não ưu tiên ghi nhớ. Hãy nhập vai vào câu chuyện.
Nếu bạn không chắc các hình ảnh bạn rạo ra có tác dụng, hãy tự hỏi: những điều này có xảy ra trong thế giới thực? Nếu không – tuyệt. Cứ tiếp tục. Sự thật là các hình ảnh càng kì cục, càng nhớ dễ và lâu.
Định vị
Sau khi bạn đã liên tưởng và tưởng tượng, bạn hãy định vị hình ảnh ở đâu đó. Nơi đó phải thật sự quen thuộc và có ý nghĩa nào đó với bạn.
Ngôi nhà của bạn, ví dụ, luôn là một nơi khởi đầu lý tưởng. Hãy tưởng tượng vợ bạn đang hỏi ý kiến của bạn khi bạn đang ngồi đọc báo trên sofa. Tạo thật nhiều các liên tưởng và hình ảnh, sau đó là các đoạn phim ngắn mà não bạn không thể nào quên.