Hầu hết các bậc phụ huynh và giáo viên đều lầm tưởng rằng việc giáo dục cho tất cả các trẻ em trong việc học ngôn ngữ đều như nhau, nhưng trên thực tế các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng trẻ em học ngoại ngữ ở những nền văn hóa khác nhau thì sẽ có những biểu hiện khác nhau và cần có những phương pháp giáo dục phù hợp.
Các nhà nhân loại học văn hóa cũng đã chỉ ra rằng các gia đình Mỹ chính gốc và gia đình từ nhiều nền văn hóa khác có nhiều cách để giao tiếp với nhau (Heath, 1983). Trẻ em Mỹ chính gốc quen với phong cách nói chuyện mang tính suy luận, phân tích, trong khi nhiều trẻ em từ các nước khác quen với một phong cách quy nạp. Do vậy, mỗi trẻ em học ngoại ngữ sẽ học theo nhiều cách khác nhau, theo thông lệ, thói quen và đặc biệt là do môi trường giáo dục.
Trong khi tại các thành phố lớn, đô thị hóa với môi trường hiện đại, trẻ em được phát triển đầy đủ về kiến thức và chương trình học năng động, thì tại các khu vục ngoại ô hay những nơi không có điều kiện cơ sở vật chất, việc giảng dạy được thực hiện một cách thụ động, qua quan sát, giám sát việc chuyên cần, và việc học bài thuộc lòng (Rogoff, 1990) và việc kiểm tra kiến thức không chủ yếu thông qua hình thức kiểm tra bài mà dựa trên sự đánh giá trong quá trình học tập. Vì vậy, việc áp dụng một phương pháp học như nhau cho tất cả các trẻ em học ngoại ngữ là không phù hợp.
Mỗi trẻ em học ngoại ngữ có những phản ứng và tiếp thu kiến thức khác nhau ở trường học. Một số trẻ em hướng ngoại, hòa đồng sẽ học ngôn ngữ thứ hai một cách nhanh chóng, trẻ sẽ không lo lắng về những sai lầm, tiếp thu thêm nhiều kiến thức từ người bản xứ một cách dễ dàng. Một số trẻ em khác thì nhút nhát và điềm tĩnh hơn, chúng học bằng cách lắng nghe và quan sát, có thể chúng nói rất ít, vì sợ phạm sai lầm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng cả hai hình thức học này đều có thể học ngoại ngữ thành công.
Mặt khác, đặt trẻ vào đúng môi trường, tạo tình huống thích hợp sẽ giúp việc dạy và học tiếng Anh cho trẻ em dễ dàng hơn. Tạo cơ hội cho trẻ được tiếp xúc với thầy cô là người bản xứ, cộng thêm có sự hỗ trợ của các giáo trình thích hợp cho từng lứa tuổi, hạn chế việc đọc chép mà chủ yếu tạo nên sự tương tác. Với phương pháp giảng dạy thông minh, chú trọng hoạt động, hình ảnh hơn lý thuyết sẽ giúp trẻ dễ tiếp thu kiến thức hơn. Để vận dụng linh hoạt từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, trẻ được khuyến khích tham gia trò chơi, diễn kịch, múa hát bằng tiếng Anh. Từ đó việc nói, sử dụng tiếng Anh trở nên bình thường, không gượng ép đối với trẻ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có thể giúp con học tốt tiếng Anh bằng cách cùng học Anh ngữ với con ngay tại nhà, cũng là một cách hữu hiệu để theo dõi tình hình học tập tại lớp của con em. Chẳng hạn như cha mẹ hãy nói những câu tiếng Anh đơn giản được lặp lại đi lặp lại nhiều lần, bé sẽ có phản xạ bắt đầu nghĩ đến tiếng Anh. Ngoài ra, các hoạt động “Học mà chơi – Chơi mà học” rất thú vị sẽ giúp con bạn trở nên hứng thú với việc học tiếng Anh hơn. Phụ huynh có thể cùng chơi trò chơi, đặt câu đố với con, qua đó ôn lại những bài học trên lớp giúp trẻ nhớ lâu và có thêm sự hứng thú trong học tập. Bằng hình thức này, phụ huynh sẽ biến việc học thành cách thư giãn thú vị, giúp trẻ yêu thích vui học tiếng Anh và lĩnh hội kiến thức dễ dàng hơn.
Nghiên cứu về việc học ngôn ngữ thứ hai đã cho thấy rằng nhiều quan niệm sai lầm tồn tại về việc trẻ em học ngoại ngữ như thế nào. Giáo viên và các bậc phụ huynh cần phải nhận thức được những quan niệm sai lầm và nhận ra rằng giải pháp nhanh chóng và dễ dàng là không thích hợp cho các vấn đề mang tính phức tạp như học ngoại ngữ. Trẻ em tuổi đi học phải mất thời gian lâu hơn, khó khăn hơn, và cần có nỗ lực nhiều hơn để học được ngôn ngữ thứ 2.